Mầm xanh
Mưa tầm tã không dứt, ngày này qua ngày khác. Lũ từ nguồn đổ về ào ào, dòng suối vốn hiền hòa trở nên hung dữ, gầm gào tung bọt đục ngầu. Thỉnh thoảng những cuộn nước réo lên ùng ục, xô vào bờ, lăm le cuốn đi đất đai, hoa màu.
Đứng trên hiên nhà của A Đáo nhìn xuống, hắn cố tìm một vài dấu tích cho thấy đây là một con suối nhỏ hiền lành, chứ không phải là một dòng chảy hung hãn, nhưng đành chịu.
A Đáo, với dáng người thấp đậm và khuôn mặt cương nghị, cũng đứng bên cạnh hắn, nhưng không nhìn về con suối, mà đăm đăm dõi về ngọn đồi phía xa, vẫn còn non nửa trơ màu đất bạc. Hơn nửa còn lại thì đã phủ kín màu xanh của thông từ năm ngoái.
A Đáo ơi, cứ mưa thế này thì sao trồng rừng tiếp được? Một phụ nữ tất tả ôm mớ rau bí hái vội ngoài vườn chạy vào nhà, thấy A Đáo thì dừng lại hỏi. “Bà con nói bầu cây cứ để vậy không tốt đâu”- bà mẹ nói tiếp, khi thấy A Đáo lặng thinh.
Cha A Đáo, cũng là già làng, ngồi nhả khói thuốc đầu hè, nhìn trân trân ra phía đồi, rồi thở dài, thủng thẳng nói: Không khéo không đạt chỉ tiêu trồng rừng đã hứa với xã mất thôi, A Đáo à.
|
A Đáo lắc mạnh đầu. Cứ như hắn nghĩ thì những tiếng thở dài của ông già, tiếng mưa đổ sầm sập làm đầu A Đáo váng vất. Đúng lúc này, A Đáo mới lên tiếng: Pa cứ để con tính. Thanh niên thì còn đang quyết tâm lắm, nhưng ít người quá.
Đất nước mình nghĩ cũng lạ. Áp thấp, rồi bão tận đẩu tận đâu, mà ở đây cũng mưa tối trời, thật hiểu không nổi- hắn chép miệng giả bộ nói bâng quơ, thật ra là muốn gạ chuyện cho A Đáo bớt nặng nề.
Hắn đã về làng được 3 ngày. Nhưng cả 3 ngày đều mưa sầm sập, đành ru rú trong nhà của già làng, bên bếp lửa cháy rừng rực cả ngày đêm.
Em cũng thấy lo lắm. Cây thông giống đã nhận đủ, tập kết về khu đất trống đầu làng. Nếu không trồng kịp thời, cây giống sẽ có nguy cơ bị hư hao, vỡ bầu, hoặc giảm tỷ lệ sống- A Đáo nói.
Ngày trước, người dân ở đây từng trông hết vào cây mì. Cũng chưa xa lắm, quãng chục năm về trước, đến mùa thu hoạch mì, cứ buổi chiều bà con lũ lượt gùi mì xuống núi, chất đầy bên đường chờ xe thương lái đến thu mua.
Bây giờ, đường ô tô đã vào tận làng, ngoài việc sản xuất lương thực để tự đảm bảo cuộc sống hàng ngày, bà con còn trồng sâm dây (hồng đẳng sâm), cà phê, bo bo để phát triển kinh tế. Như nhà A Đáo, ngoài 1ha cà phê xứ lạnh đã cho thu hoạch, còn có 5 sào sâm dây, hiện đang chuẩn bị trồng thêm 5 sào cà phê xứ lạnh nữa.
Cuộc sống của bà con đã sung túc hơn trước rất nhiều. Trong làng có trường học; nhiều gia đình xây nhà mới khang trang, có xe máy, tivi, tủ lạnh.
Nhưng còn một điều làm người già thấy buồn, người trẻ thấy bứt rứt, khó chịu là non nửa ngọn đồi trước làng vẫn còn mang vẻ mặt xám xịt của đá sỏi, vẫn lúp xúp cây bụi.
Đó là hậu quả của rất nhiều năm về trước, bà con đua nhau phát rừng trồng mì. Bao năm trôi qua, đất đồi trở nên bạc màu, trơ sỏi đá, cằn cỗi.
|
Năm ngoái, xã vận động bà con trồng rừng trên ngọn đồi trọc kia. Cán bộ thôn và người già mừng lắm, vì lâu nay, ước mơ lớn nhất là được thấy màu xanh phủ kín màu đất bạc trên đồi.
Khi họp dân, nghe cán bộ xã phổ biến về trồng rừng, dân làng vỗ tay rào rào, bày tỏ sự đồng thuận. Sau đó, với sự hỗ trợ của xã, gặp thời tiết thuận lợi, hơn nửa quả đồi đã được trồng kín thông. Sau 1 năm, hàng nghìn cây thông đã vươn lá xanh tươi.
Năm nay, khi thôn triển khai tiếp chủ trương trồng rừng, dân làng thống nhất ngay. Quyết tâm đã có, lực lượng cũng có, lại được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền và công ty lâm nghiệp về cây giống, bà con phấn khởi lắm, bắt tay vào thực hiện.
Nhưng nói thì dễ, làm mới thấy khó. Ngày nắng thì khổ kiểu nắng. Trên đồi cao, cái nắng như nhân đôi. Bổ cuốc xuống cứ kêu chan chát vì đụng sỏi đá, lưỡi cuốc bật lên, mẻ từng miếng. Mới được mấy nhát mà mồ hôi đã ướt đẫm áo. Cái khát nhân đôi, khô quéo cuống họng. Cái mệt cũng nhân đôi, chân tay rã rời.
Công việc đang “vào guồng” thì trời đổ mưa dầm. Mưa mãi, mưa mãi, ngày này qua ngày khác, cứ triền miên như vậy. Công cuộc trồng rừng của dân làng gặp trở ngại còn lớn hơn ngày nắng.
Công đoạn vất vả nhất là chuyển cây giống lên đồi. Mùa mưa, đường trơn trượt, xe độ chế chỉ chở được đến lưng chừng, sau đó gùi lên. Lên xuống một lần mất vài tiếng đồng hồ, mỗi gùi chỉ chứa được vài chục cây.
A Đáo kể: Có hôm lên lên xuống xuống mấy chục chuyến để gùi cây giống nên mệt quá, em mệt muốn xỉu ấy chứ. Nhưng em cố gắng không kêu ca, than vãn gì, vì nhớ lời anh bí thư từng nói là: Nếu mình kêu mệt thì người khác cũng sẽ cảm thấy như thế. Cho nên, dù đói, mệt cũng đừng kêu, hãy luôn tỏ ra vui vẻ.
Người lớn tuổi, phụ nữ rút dần về, chỉ còn lại đám trai tráng là còn kiên trì được. Nhưng tiến độ chậm lắm. Những buổi trưa, A Đáo nằm co ro trong căn lán dựng tạm, cố nuốt miếng cơm nguội ngắt, chịu “tra tấn” của ruồi vàng, muỗi mà mơ ước về một ngày những mầm xanh phủ kín đồi.
Hắn định nói câu gì đó để động viên A Đáo. Nhưng rồi lại thôi, khi tự hỏi mình, bây giờ, những lời động viên sáo rỗng liệu có ích gì?
Bỗng chuông điện thoại reo vang. A Đáo bấm máy nghe, cặp lông mày rậm ngày càng giãn ra, rồi nét cười tươi hiện lên trên gương mặt rắn rỏi. “Bí thư chi đoàn vừa báo sẽ có bộ đội về giúp dân làng trồng nốt diện tích rừng còn lại anh ạ”- A Đáo kêu lên, đầy phấn chấn.
Tin có bộ đội về giúp trồng rừng như một cơn gió lan khắp làng. Người già gật gù, chỉ tay về mỏm đồi lõm xuống như cái yên ngựa mờ mờ dưới màn mưa: Tốt rồi. Có bộ đội về là sẽ trồng xong rừng thôi.
Lũ thanh niên hớn hở ra mặt: Có mấy anh bộ đội vào giúp thì lo gì không xong việc. Thế là tinh thần trồng rừng lại lên cao.
Hắn bước đến cạnh A Đáo, cùng nhìn về phía ngọn đồi nửa xanh nửa xám xa xa, thầm nghĩ rất nhanh thôi, cả ngọn đồi sẽ kín những mầm xanh.
THÀNH HƯNG