Cây kim tiền là một trong những loại cây cảnh mang đến sự may mắn và giàu có được sử dụng rộng rãi. Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng trong cây kim tiền có thành phần có hại cho sức khỏe. Vậy cây kim tiền có độc không?
Cây kim tiền là gì?
Cây kim tiền hay còn gọi là cây phát tài, bắt nguồn từ Châu Phi có tên khoa học là Zamioculcas Zamiifolia. Đây là một loại cây cảnh trang trí được sử dụng phổ biến.
Cây kim tiền thuộc loại cây mọng nước, dạng bụi và có tuổi thọ cao. Phần rễ của nó có củ chứa nhiều nước. Thân cây thường cao từ 0,3 đến 1m. Cây kim tiền có lá hình kép lông chim với màu xanh khá đậm. Từ cuống đến ngọn, lá cây thường mọc đối xứng nhau.
Loại cây này có khả năng chứa nước rất tốt nên nó thích hợp sống trong điều kiện môi trường khô cạn, không cần tưới nước nhiều. Trong điều kiện có ánh nắng trực tiếp, lá cây có thể bị cháy hoặc chuyển sang màu vàng. Ngoài ra, cây kim tiền cũng có khả năng chịu bóng toàn phần và không cần cung cấp nhiều chất dinh dưỡng để phát triển.
Cây kim tiền còn được biết đến với mục đích mang lại bầu không khí trong lành. Theo tạp chí Water, Air & Soil Pollution, cây kim tiền có tác dụng thanh lọc không khí cao gấp 3 lần so với cây lưỡi hổ. Nó có khả năng loại bỏ các khí gây hại cho sức khỏe con người như carbon dioxide, xylene. Làm giảm ô nhiễm và tăng chất lượng bầu không khí cũng là một tác dụng của cây kim tiền. Theo tạp chí Ecotoxicology and Environmental Safety, cây kim tiền lại có khả năng làm giảm lượng ozon gây ô nhiễm không khí.
Cây kim tiền có độc không?
Cây kim tiền có độc không là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc. Dựa trên các nghiên cứu, người ta phát hiện các tinh thể canxi oxalat có trong thân và lá cây kim tiền. Canxi oxalat trong cây kim tiền có tác dụng thanh lọc các chất độc hại và hấp thụ bức xạ điện tử từ các thiết bị điện trong gia đình. Tuy nhiên thành phần này mang lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Để xác minh điều này, các nhà khoa học Đại học Bergen - Na Uy đã tiến hành 1 thí nghiệm đánh giá độc tố trên cây kim tiền trên tôm. Họ dùng chiết xuất canxi oxalat có trong cây kim tiền và tiêm vào tôm với liều lượng chỉ 1mg/ml, kết quả là tôm đã chết ngay.
Cơ thể con người sẽ cảm thấy ngứa và nóng rát khi tiếp xúc với canxi oxalat ở những vùng da nhạy cảm. Nếu tiếp xúc với liều lượng lớn canxi oxalat ngoài các triệu chứng ở da, mắt, môi, lưỡi. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy nôn nao, khó chịu ở đường tiêu hóa, khó thở, nguy hiểm hơn là co giật, hôn mê. Hơn nữa, có thể xảy ra tử vong nếu liều lượng đủ lớn.
Với làn da vốn nhạy cảm của trẻ nhỏ, những tình trạng trên sẽ càng nghiêm trọng, nguy hiểm hơn. Với vốn hiểu biết chưa phong phú cùng bản tính tò mò, nếu bố mẹ đặt cây kim tiền trong nhà vừa tầm với của trẻ, các bé có thể ngắt lá bỏ vào miệng hay chạm tay vào dịch của cây và khi người lớn không phát hiện kịp thời, sức khỏe và tính mạng của trẻ có thể bị đe dọa. Cây kim tiền thực sự là một mối lo ngại đối với trẻ em, bởi trẻ nhỏ có làn da nhạy cảm và nếu chúng không biết mà ngắt là cây để ăn hoặc ngậm thì sẽ rất nguy hiểm.
Vì vậy, người lớn phải hết sức cẩn thận khi trồng hoặc đặt cây kim tiền làm cảnh trong gia đình mình. Tuy nhiên, canxi oxalat chỉ nguy hại với con người khi tiếp xúc vào những vị trí nhạy cảm và xuất hiện tình trạng đau rát. Và nó gần như vô hại nếu bạn chỉ tiếp xúc vào những vùng da ít nhạy cảm, chẳng hạn như da tay.
Làm gì khi tiếp xúc với lá cây kim tiền?
Con người chỉ bị nhiễm độc tố từ cây kim tiền khi bẻ lá, ăn hay ngậm phải lá hoặc dính nhựa cây. Bạn sẽ gặp phải tình trạng nôn nao trong người, rối loạn tiêu hóa, cảm thấy nóng rát da hoặc trong miệng khi nhiễm canxi oxalat trong cây kim tiền.
Khi nhai và nuốt bất kỳ bộ phận nào của cây kim tiền, các tinh thể canxi oxalat sẽ đâm vào các mô nhạy cảm của lưỡi, nướu và cổ họng, tạo ra cảm giác vướng phải mảnh thủy tinh. Có thể xảy ra đau, khó nuốt, sưng tấy và khàn tiếng tạm thời.
Nếu xuất hiện triệu chứng trên, việc đầu tiên cần làm là xác định nguyên nhân của vấn đề gặp phải có bắt nguồn từ cây kim tiền hay không. Nếu nguyên nhân xuất phát từ cây kim tiền, người nhiễm độc cần súc miệng nhiều lần để giảm lượng độc tố trong miệng. Khi dịch của cây tiếp xúc với da, có thể xảy ra bỏng, đau và sưng tấy. Hãy tạo bọt nhiều lần cho vùng da tiếp xúc với xà phòng và rửa lại bằng nước ấm để giảm bớt kích ứng. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Đối với trẻ nhỏ, nếu ăn nhầm lá cây kim tiền, bạn nên cho trẻ súc sạch miệng để loại bỏ độc tố ngay nếu có triệu chứng ngứa, rát ở miệng. Khi mắt trẻ có tiếp xúc với dịch của cây, nhanh chóng tiến hành rửa mắt bằng nước sạch hoặc thuốc nhỏ mắt. Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra để có phương án điều trị phù hợp, kịp thời nếu tình trạng trở nên nặng hơn.
Qua bài viết trên, nhà thuốc Long Châu mong rằng sẽ giải đáp được thắc mắc là cây kim tiền có độc không. Câu trả lời là có, bởi trong cây kim tiền có chứa một loại độc tố là canxi oxalat. Mặc dù vậy, bạn chỉ bị nhiễm độc nếu tiếp xúc với những vùng da nhạy cảm, còn chúng hoàn toàn vô hại với khu vực da ít nhạy cảm.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp