Cúng rằm tháng 7 âm lịch vào ngày nào

TS. Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết, quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn và tục lệ cúng rằm tháng 7 có từ lâu, mang tính phổ biến.

Ở nước ta, theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn. Các chùa thiết lập trai đàn chẩn tế để “tài pháp nhị thí” cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng.

Rằm tháng 7 trùng vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu, cho nên con cháu thường đến chùa cầu siêu cho ông bà, tổ tiên.

Vì vậy, lễ cúng rằm tháng 7 âm lịch luôn được tiến hành long trọng hơn những ngày rằm khác trong năm.

Năm 2023, rằm tháng 7 nhằm vào thứ Tư, ngày 30/8 dương lịch. Việc cúng rằm tháng 7 có thể diễn ra từ ngày 2/7 đến trước 12h ngày 15/7 âm lịch, tức từ ngày 17/8 đến ngày 30/8 dương lịch.

Theo lịch vạn niên, thời điểm cúng rằm tháng 7 đẹp nhất năm 2023 là ngày 13/7 âm lịch, tức ngày 28/8 dương lịch. Ngày này được dự đoán rất thuận lợi để cầu tài, xuất hành và đạt được nhiều may mắn.

Mâm cúng rằm tháng 7 đầy đủ và lưu ý của chuyên gia về cúng cô hồnMâm cỗ cúng gia tiên vào rằm tháng 7 âm lịch. Ảnh: Nhà hàng Bể Cá.

Tuy nhiên, phần lớn gia đình khi cúng rằm tháng 7 chỉ hướng đến việc tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, cha mẹ, cảm tạ thần linh, cũng như thể hiện lòng từ bi, thương xót đến những vong hồn cô đơn đói khổ.

Nhiều người không quá coi trọng việc chọn ngày để cầu tài lộc, công danh phú quý. Họ chọn ngày cúng dựa vào điều kiện của mỗi gia đình sao cho thuận tiện nhất, chỉ cần cúng trước 12h ngày rằm tháng 7.

Nghi lễ cúng rằm tháng 7 bao gồm cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cô hồn) với thời điểm và cách thức thực hiện khác nhau.

Cúng chư Phật và thần linh

Nghi lễ cúng chư Phật và thần linh có thể diễn ra vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 âm lịch, nhưng thường được chọn vào ngày rằm. Giờ cúng thường là vào buổi sáng hoặc trưa, từ 10h đến 12h.

Cúng gia tiên

Đây là việc cúng tổ tiên, cha mẹ và những người thân đã khuất khác. Lễ cúng gia tiên cũng nên được thực hiện vào ban ngày, từ 10h đến 12h là hợp lý nhất. Người xưa cho rằng đây là giờ hoàng đạo, dương khí rất mạnh, ít ma quỷ xuất hiện hơn, còn linh hồn gia tiên sẽ được Thổ thần cho phép vào để thụ lộc.

Cúng chúng sinh

Đây là nghi lễ cúng bố thí cho những vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng. Nghi lễ này nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Theo quan niệm dân gian, các cô hồn thường sợ ánh sáng, thời điểm trời tắt nắng họ sẽ dễ nhận được đồ mà các gia đình cúng hơn.

(Tổng hợp)