Mất vợ ngay trong ngày cưới vì không duyên
Chuyện kể rằng, tại huyện Hoằng Nông thời Đường có một viên quan họ Lý, ông có một người con gái đã đến tuổi lấy chồng, muốn gả cho Lư Sinh. Lư Sinh có dung mạo uy nghiêm, râu để dài, phong lưu phóng khoáng.
Cả gia đình Lý thị đều nói: “Thật đúng là một chàng rể tốt”. Sau đó chọn được một ngày tốt để kén rể. Đương thời có một bà đồng cốt, chuyên nói về những chuyện trong tương lai, những điều bà nói ra đều rất ứng nghiệm.
Bởi vì bà ta có quan hệ rất thân với Lý gia, trong lễ thành hôn của gia đình, bà ta cũng tới góp vui. Lý phu nhân thường ngày rất tin lời bà ta, bèn hỏi: “Bà xem giúp tôi con rể Lư lang, quan chức bổng lộc dày mỏng ra sao?”.
Bà đồng hỏi: “Lư lang có phải là người có bộ râu dài?”. Lý phu nhân nói: “Chính xác, đúng là cậu ta!”. Bà đồng nói: “Nếu là người này, có lẽ không phải là con rể của phu nhân. Con rể của phu nhân có dung mạo không giống như vậy”.
Lý phu nhân hỏi: “Vậy dung mạo con rể tôi như thế nào?”. Bà đồng đáp: “Đó là một người có khuôn mặt trắng trẻo, trên mặt không có chút râu nào”. Lý phu nhân cảm thấy mười phần kinh ngạc nói: “Theo lời bà nói, thế thì con gái tôi hôm nay không gả đi được rồi!”.
Bà đồng nói: “Sao lại không gả đi được? Đêm nay chắc chắn là được gả đi!”. Lý phu nhân nói: “Bà ăn nói thật hàm hồ, nếu như hôm nay được gả đi, lẽ nào không phải là Lư lang?”. Bà đồng nói: “Ngay cả tôi cũng không biết là vì sao nữa kìa”.
Lời nói vừa dứt, thì nghe thấy bên ngoài trống nhạc vang trời, Lư Sinh đã mang sính lễ tới, đang qùy bái ở ngoài sảnh đường. Lý phu nhân kéo tay bà đồng đi ra khe cửa phía sau sảnh đường, chỉ vào Lư Sinh mà nói: “Bà xem sính lễ kìa, đêm nay chúng sẽ thành hôn, làm sao mà nó không phải là con rể của tôi chứ? Thật nực cười! Thật quá nực cười!”.
Đám người hầu kẻ hạ nhìn thấy Lý phu nhân cười nhạo bà đồng cốt, cũng hùa theo mà nói: “Lão bà bà này quen nói khoác rồi, lần này không chuẩn rồi bà ơi!”. Bà đồng chỉ lặng thinh, một câu cũng không nói.
Chẳng mấy chốc, bạn bè thân hữu đều đã tới đầy đủ để tham dự lễ thành hôn của hai người. Lư Sinh cùng hai người tùy tùng, sau khi hành lễ tại sảnh đường xong, liền đi vào phòng tân nương. Lư Sinh tiến tới gần Lý tiểu thư rồi hạ tấm vải che đầu của nàng xuống, bỗng anh ta giật mình thất kinh, toàn thân ớn lạnh, kêu lên “Trời ơi!” rồi chạy thục mạng ra ngoài.
Bạn bè thân hữu hỏi anh ta điều gì anh ta cũng không nói, chạy thẳng ra khỏi cửa, lên ngựa, quất hai roi phi như bay đi mất. Trong số những người bạn có vài người cố gắng đuổi theo anh ta để hỏi rõ sự tình, Lư Sinh chẳng nói rõ duyên cớ, chỉ xua tay nói: “Không thành được! Không thành được đâu!”. Không có cách nào khác, mấy người bạn đành quay về kể lại sự tình cho mọi người nghe.
(ảnh minh họa) |
Lý quan huyện sau khi nghe tin, tức đến nỗi phồng má trợn mắt, hét lên: “Sự tình sao lại thành ra thế này! Sao lại thành ra thế này hả? Con gái ta xinh đẹp như hoa, tại sao lại có thể như thế chứ? Quyết phải gọi mọi người tới xem cho minh bạch!”. Bèn mời bằng hữu thân thích vào phòng trong, gọi con gái ra bái kiến.
Lý quan huyện chỉ vào con gái nói: “Mọi người xem xem, tiểu nữ nhà ta có xứng với Lư lang không, con gái ta có phải xấu xí gì đâu đúng không? Hôm nay Lư lang vừa gặp đã chạy mất, nếu như không cho mọi người chứng kiến, mọi người có khi sẽ nghĩ rằng con ta là quái vật mất!”.
Mọi người ngầng đầu lên xem, con gái Lý quan huyện quả nhiên có phong thái yểu điệu thướt tha, tuyệt sắc vô song. Bạn bè thân hữu bàn tán xôn xao: “Đúng là Lư lang vô phúc”, “Lư Lang không có duyên phận”, “Ban ngày mà mắc sai lầm, gặp phải thần sát”…bàn tán không ngừng.
Lý quan huyện tức giận đùng đùng nói rằng: “Nghĩ tới Lư lang bây giờ cũng không giải quyết được gì nữa rồi, trong các vị quan khách ở đây có ai tình nguyện làm rể nhà ta, đêm nay có thể thành hôn luôn, thân bằng cố hữu tại đây có thể làm chứng, đều là người mai mối”.
Theo đạo Phật, duyên chính là nhân quả |
Lời vừa dứt, có một người trong đám quan khách bước ra, tiến tới trước, thong thả điềm tĩnh nói: “Tiểu tử bất tài, xin nguyện được làm rể”. Mọi người nhìn kỹ, chàng trai này họ Trịnh, đã từng được phong làm quan, mặt trắng như phủ phấn, môi đỏ, trên cằm không có một sợi râu nào, nhìn rất anh tuấn.
Mọi người vỗ tay đồng thanh nói: “Nếu là tiểu lang tử này, thì mới thật là Tài Lang, hai người tuổi tác diện mạo tương đồng, môn đăng hộ đối”. Lúc đó liền cử hai vị cao tuổi ra làm mai mối, chọn một người thiếu niên làm phù rể, mời tiểu thư ra làm lễ giao bái, đưa vào động phòng. Bởi vì bà đồng sớm đã có dự ngôn trước, lúc này cả nhà Lý phu nhân đều đã tin cả, không còn dám cười nhạo bà nữa.
Sau khi thành hôn, Trịnh Sinh gặp Lư Sinh, hai người họ vốn có quan hệ rất tốt, Trịnh Sinh mới hỏi: “Đêm hôm ấy tại sao lại như thế?”. Lư Sinh kể: “Tiểu đệ vén tấm vải che đầu ra, nhìn thấy cô gái ấy có hai mắt đỏ ngầu, to như đọi đèn, răng mọc dài, lòi ra hai bên miệng, đâu có phải hình người đâu. Giống hệt như bức hình quỷ dạ xoa trên vách đá vậy! Đệ sợ đến vỡ cả mật, không chạy thì còn làm gì được nữa đây?”.
Trịnh Sinh cười nói: “Nàng ấy đã được gả cho ta rồi”. Lư Sinh ngạc nhiên hỏi: “Huynh không sợ sao?”. Trịnh Sinh trả lời: “Mời đệ đến nhà chúng ta chơi, ta sẽ mời thê tử ra gặp mặt đệ”. Lư Sinh liền theo Trịnh Sinh trở về nhà anh ta, Trịnh phu nhân ra bái chào, khuôn mặt xinh đẹp tự nhiên, tuyệt không phải diện mạo mà hôm trước Lư Sinh nhìn thấy trong phòng, chàng ta tiếc nuối mãi không thôi.
Sau đó được nghe kể về dự ngôn của bà đồng cốt, Lư sinh đã hiểu được nhân duyên quả thực đều đã có định số, liền thở dài. Thật đúng là:“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”.
Vạn sự tùy duyên - vì sao lại như vậy?
Phật giáo vẫn thường nhắc nhở “vạn sự tùy duyên”. Vì sao lại như vậy? Có thể trả lời câu hỏi này bằng 4 lý giải.
Thứ nhất, “vạn vật nhân sinh duyên, vạn vật nhân sinh diệt”. Có nghĩa là, trên thế gian này, tất thảy mọi điều đều do nhân duyên hợp thành, nhân sinh của chính mình cũng là một đại nhân duyên. Tùy duyên, chính là một loại thái độ sống thuận theo tự nhiên. Không ai biết trước cuộc đời ta sẽ gặp gỡ ai, sẽ vấp phải việc gì, chỉ có thể tùy duyên.
Thứ hai, “duyên như có, như không”. Có nghĩa là “hữu duyên thiên lí năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Có duyên hay vô duyên, thiện duyên hay nghiệt duyên đều đã định trước, tưởng có duyên mà vô duyên, tưởng vô duyên mà hữu duyên.
Thứ ba, “duyên là nhân quả”. Phật giáo tin rằng, mọi mối duyên trên đời đều bắt nguồn từ nhân quả. Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo mà chưa tới lúc.
Ai cũng không thoát khỏi quy luật chi phối nhân duyên này. Cho nên, mọi mối duyên đều có lí lẽ, tránh không được, trốn không xong. Phật giảng, hành thiện thì kết thiện duyên, khuyên chúng sinh làm điểu tốt để hưởng phúc lành.
Thứ tư, “duyên đến, duyên đi”. Có nghĩa là trong cuộc đời, không có bữa tiệc nào là không tàn. Ấy là vì duyên đến rồi đi, nó không phải là hiển nhiên, nó là quá trình. Có duyên thì hợp, hết duyên thì tan, việc nào cũng vậy. Cho nên, đừng vì tiếc nuối kết quả mà bỏ lỡ sự tươi đẹp của hành trình. Mấu chốt là tận hưởng những điều đang diễn ra. Cố chấp, tham lam chỉ làm duyên nghiệp thêm dày.
Ở đời này, vạn vật nhân sinh duyên, vạn vật nhân sinh diệt |
Vạn sự tùy duyên là vậy, ai hiểu được lẽ này ở đời thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng lắm thay, bởi có duyên thì hợp, hết duyên thì tan, việc nào cũng vậy. Nhưng cuộc đời lắm ngả, nên hai chữ “tùy duyên” còn phải được hiểu theo một ý rất linh hoạt.
Bàn về sự linh hoạt này, tác giả Huệ Minh trong bài viết “Vạn sự tùy duyên nhưng phải bất biến” cho rằng, tùy duyên còn là thái độ biết tận dụng những nhân duyên mới mẻ đang hội tụ trong hiện tại để giải quyết vấn đề, hay tạo nên những đột phá tốt đẹp hơn. Nó sẵn sàng bỏ qua những dự tính, kể cả những khuôn thước đã được đặt để trước đây.
Thái độ này chỉ có ở những kẻ bản lĩnh và vững chãi thật sự. Họ phải đảm bảo phẩm chất không những không bị thay đổi mà còn tuyệt vời hơn trước khi hành động. Điều này khác hẳn với sự bùng vỡ của cảm xúc - quyết liệt làm cho được như ý rồi mau chóng chán nản và buông xuôi.
Trong bài viết của mình, tác giả đã nhắc đến Thiền sư Trần Nhân Tông thời nhà Trần. Thiền sư Trần Nhân Tông từng khuyên: “Ở đời vui đạo phải tùy duyên/ Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền” (Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên - Cư trân lạc đạo).
Theo thiền sư Trần nhân Tông, tùy duyên có nghĩa là đói thì ăn mệt thì ngủ. Nhưng ăn ra ăn và ngủ ra ngủ; việc nào ra việc ấy, không trộn lẫn nhau, không thấy việc nào quan trọng hơn việc nào; việc nào đến trước thì giải quyết trước, không nôn nóng không bâng khuâng. Nghệ thuật giữ gìn sự thanh thản trong tâm hồn ngay giữa bao sự phiền nhiễu của đời thường chính là thái độ tùy duyên.
Lẽ dĩ nhiên, không ai bắt buộc ta phải tùy duyên. Nhưng khả năng tùy duyên của ta càng lớn thì sự thanh thản trong tâm hồn sẽ càng lớn. Nếu ta vẫn còn tiếp tục đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài thì chắc chắn ta sẽ mãi còn mong muốn và áp đặt nhân duyên thuận theo ý mình.
Chỉ khi nào ta đã tìm thấy giá trị hạnh phúc chân thật nơi chính mình thì ta mới chấp nhận được mọi hoàn cảnh. Hòa nhập mọi hoàn cảnh để giúp người giúp đời mà không bị hòa tan, đó chính là mẫu người lý tưởng nhất của xã hội trong mọi thời đại.